Các địa điểm du lịch ở Đắk Lắk

Nằm trên tuyến quốc lộ 14, cách Sài Gòn gần 400km, Đăk Lăk là một tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, giàu tiềm năng du lịch sinh thái. Các địa điểm du lịch ở Đắk Lắk có vẻ đẹp tự nhiên, đa đạng, phong phú, thơ mộng và hùng vĩ với cấu tạo địa hình thể hiện sự hòa hợp của những dòng sông xen lẫn núi đồi, thung lũng, ao hồ và những khu vực rừng nguyên sinh tạo nên nhiều thác, ghềnh hùng vĩ. Ngoài ra, Đắk Lắk còn là vùng đất nổi tiếng với những sản vật có giá trị cao về kinh tế và văn hóa như cà phê, cao su, tiêu, ca cao, voi…

Buôn Ma Thuột

Ngã 6 Ban Mê

Ngã 6 Ban Mê, nơi mà du khách đến Buôn Ma Thuột đều tò mò ghé qua (Ảnh – duckywan)

Ngã 6 Ban Mê là trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột. Ở đây có Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột được coi như biểu tượng của thành phố.

Buôn AKô Đhông


Buôn Cô Thôn là một buôn làng khá bình yên nằm ngay trong lòng thành phố (Ảnh – lostinvietnam)

Buôn AKô Đhông hay Buôn Cô Thôn, làng Ma Rin là một buôn làng người Ê Đê ở thành phố Buôn Ma Thuột. AKô Đhông theo tiếng Ê Đê có nghĩa là buôn đầu nguồn vì nó ở đầu nguồn một con suối lớn ở Buôn Ma Thuột là suối Ea Nuôl. Ở đây nguồn suối bắt đầu cũng chính là bến nước cũ của buôn, một bến nước rất đẹp nhưng hiện tại không còn được sử dụng do bị ô nhiễm vì ở ngay trung tâm thành phố.

Buôn nằm ở cuối đường Trần Nhật Duật. Đây là một buôn được quy hoạch rất đẹp và giữ được nhiều giá trị truyền thống, hiện tại là một điểm du lịch hấp dẫn của thành phố. Nằm trong quy hoạch khu trưng bày lịch sử của Buôn Ma Thuột.

Cây Kơ Nia cổ thụ

Cây Kơ Nia cổ thụ (Ảnh – hachi8)

Do bài hát Bóng cây Kơ-nia nổi tiếng vì vậy du khách khi đến Buôn Ma Thuột luôn muốn tìm xem tận mắt cây Kơ Nia. Ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột có một cây Kơ nia cổ thụ nằm trong khuôn viên sân sau nhà văn hóa trung tâm tỉnh, cách ngã 6 Ban Mê vài trăm mét.

Bảo tàng Đắk Lắk

Bảo tàng Đắk Lăks (Ảnh – peter.metcalfe43)

Bảo tàng Đắk Lắk là một trung tâm bảo tồn và trưng bày về lịch sử và văn hoá các dân tộc tỉnh Đắk Lắk. Du khách đến đây không chỉ để tham quan, giải trí, mà còn để tìm hiểu, nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa dân tộc và các lĩnh vực chuyên ngành khác ở Đắk Lắk.

Khu Biệt điện Bảo Đại

Biệt Điện này với tuổi thọ trên 80 năm đã trở thành một công trình kiến trúc cổ. Khuôn viên Biệt Điện rất đa dạng về chủng loại và kích thước,là nơi duy nhất trong thành phố có nhiều cây nguyên sinh và cây cổ thủ với tuổi thọ hàng trăm năm. Sau năm 1977, tòa nhà được sử dụng làm nhà khách và một phần làm bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đắk Lắk.

Chùa Sắc Tứ Khải Đoan

Chùa Sắc Tứ Khải Đoan (Ảnh – jimraynor9999)

Chùa sắc tứ Khải Đoan (Sắc tứ Khải Đoan tự), là ngôi chùa lớn nhất thành phố Buôn Ma Thuột và cả tỉnh Đắk Lắk, nằm ở phường Thống Nhất. Đây cũng là ngôi chùa lần đầu tiên được xây dựng ở Cao Nguyên. Tên gọi Khải Đoan là ghép từ tên vua Khải Định và vợ ông là Đoan Huy hoàng thái hậu.

Chùa được xây bắt đầu từ năm 1951 trên đường Phan Bội Châu thành phố Buôn Ma Thuột do Đoan Huy hoàng thái hậu mẹ vua Bảo Đại cho xây dựng và thứ phi Mộng Điệp trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý việc thi công. Là ngôi chùa cuối cùng tại Việt Nam được phong sắc tứ của chế độ phong kiến. Chùa hiện tại đã được bổ sung rất nhiều công trình mới nhưng vẫn giữ nguyên vẹn chính điện cũ và vẫn là một nơi thờ phụng lớn nhất của Phật giáo tại Đắk Lắk và là một điểm du lịch tham quan không thể bỏ qua ở thành phố Buôn Ma Thuột.

Đình Lạc Giao

Đình Lạc Giao (Ảnh – Van Thanh Nguyen)

Đình Lạc Giao nằm trong địa phận phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, với diện tích 700m2, phía Nam giáp đường Y Jút, phía Tây và phía Bắc giáp chợ Buôn Ma Thuột, phía Đông giáp đường Phan Bội Châu. Đình Lạc Giao là di tích lịch sử về công cuộc khai khẩn đất đai của những người Kinh đầu tiên trên Cao Nguyên Đắk Lắk, là nơi thờ thần hoàng và những người có công với nước, là nơi cầu mong sức khỏe và làm ăn phát đạt.

Nhà đày Buôn Ma Thuột

Nhà đày Buôn Ma Thuột (Ảnh – Danh Thanh Tâm)

Nhà đày Buôn Ma Thuột do thực dân Pháp thiết lập trong thời kỳ 1930 – 1931 để đày biệt xứ và giam giữ những người yêu nước, những đảng viên cộng sản bị bắt, bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ, những người đi đầu trong các cuộc đấu tranh phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột

Tòa giám mục có thiết kế đẹp theo kiểu nhà dài người Ê Đê (Ảnh – Quốc Thắng)

Đây là một công trình kiến trúc cổ có quy mô to lớn, tọa lạc ở 104 Phan Chu Trinh. Đây là một công trình kiến trúc cổ được xây dựng hầu hết bằng chất liệu gỗ, lợp ngói vảy cá, có quy mô rất lớn. Tòa nhà có kiến trúc đẹp và mang đậm dấu ấn phong cách nhà dài truyền thống của người Ê Đê bản địa nằm giữa một khuôn viên rộng với nhiều giống cây cỏ hoa lá lạ và được thiết kế và xây dựng bởi các nghệ nhân Công giáo Ê đê xưa với bàn tay khéo léo rất rất công phu.

Bảo tàng cà phê

Bảo tàng thế giới cà phê (Ảnh – van.trang.39)

Với không gian mở chia thành nhiều khu khác nhau, bảo tàng cà phê được thiết kế theo kiến trúc nhà dài của đồng bào Tây Nguyên. Không gian triển lãm tương tác với khách tham quan qua những trải nghiệm nghe, nhìn, nếm, ngửi, chạm. Các hiện vật được sưu tầm từ khắp nơi trên thế giới, bài trí ngay trên lối đi, không đóng trong tủ kính, tạo cảm giác chân thực và gần gũi.

Làng cà phê Trung Nguyên

Các bạn có thể đến đây để thưởng thức rất nhiều loại sản phẩm của Trung Nguyên (Ảnh – Karen Ward)

Làng cà phê Trung Nguyên hay còn được gọi là Làng Cà phê là một cụm công trình kiến trúc có diện tích lớn nằm ở phía Tây Bắc Thành phố, tọa lạc tại ngã ba Lý Thái Tổ – Nguyễn Hữu Thọ. Đây là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Tây Nguyên với không gian kiến trúc độc đáo đậm đà bản sắc dân tộc và không gian cà phê đặc sắc.

Hồ Ea Kao

Hồ Ea Kao (Ảnh – vh.pham)

Cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 12km. Với những điều kiện thuận lợi về đất đai, cảnh quan thiên nhiên, vị trí địa lý, thảm thực vật, cây xanh, nguồn nước … khu du lịch hồ Ea Kao là nơi lý tưởng để nghỉ ngơi, tận hưởng sự trong lành của thiên nhiên.

Lắk

Hồ Lắk

Hồ Lắk (Ảnh – sweetbeehappy)

Là một hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất tỉnh Đăk Lăk và lớn thứ hai Việt Nam sau hồ Ba Bể. Xung quanh hồ có những dãy núi lớn được bao phủ bởi các cánh rừng nguyên sinh. Hồ Lắk cũng là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc và độc đáo của người M’Nông bản địa.

Buôn Jun

Buôn Jun yên bình nằm ngay bên Hồ Lắk (Ảnh – the_wandering_lantern)

Nằm tựa mình bên hồ Lắk trong xanh thơ mộng, buôn Jun mang một vẻ đẹp nguyên sơ hiền hòa của buôn làng Tây Nguyên, luôn giữ cho mình những bản sắc truyền thống đã được bảo tồn qua bao thế hệ. Một thú vui khác nữa khi đến với nơi này là du khách được chèo thuyền trên hồ Lăk, thưởng thức cơm lam và những đặc sản của hồ Lăk như: cá, lươn, ốc cùng nhiều món ăn dân dã đậm đà hương vị của đồng quê cao nguyên.

Vườn Quốc gia Chư Yang Sin

Chư Yang Sin là một nơi với phong cảnh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp (Ảnh – w.lancaster)

Vườn Quốc gia Chư Yang Sin là nơi ẩn chứa bao điều kỳ thú, hấp dẫn khách du lịch nhất là những nhà nghiên cứu khoa học bởi sự độc đáo và phong phú của tài nguyên thiên nhiên nơi đây. Nếu yêu thích leo núi, các bạn có thể leo lên đỉnh Chư Yang Sin khám phá những điều kỳ thú và hấp dẫn của thiên nhiên nơi đây.

Đá Voi Yang-tao

Đá Voi Mẹ là một điểm check-in với phong cảnh xung quanh rất hùng vĩ (Ảnh – thaobigi)

Đá Voi Yang-tao gồm một cặp hòn đá Voi Cha và hòn đá Voi Mẹ, nổi tiếng với truyền thuyết là “hòn đá biết đi”. Nằm cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 40 km theo đường quốc lộ 27, thuộc địa phận xã Yang-tao.

Đá Voi Yang-tao thuộc loại đá granit. Kích thước rất lớn: theo ước lượng thì đá voi mẹ có chiều dài khoảng 200m, chu vi dưới chân đá khoảng 500m và cao khoảng hơn 30m. Đá Voi Cha có kích thước nhỏ hơn: chiều dài khoảng 70m và chu vi khoảng 180m. Đá Voi Mẹ nằm sát chân núi, là một dãy núi thuộc vườn quốc gia Chư Yang Sin. Còn đá Voi Cha cách đó khoảng 5 km về hướng Nam, nằm giữa một cánh đồng.

Hồ Ea Rbin

Hồ Ea Rbin nằm ở tiểu khu 1072, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Ka, cách trung tâm xã Ea Rbin khoảng 10 km. Để vào đến hồ, từ đường liên xã Nam Ka – Ea Rbin, chạy xe máy qua những cánh đồng lúa, ngô xanh ngát rồi đi bộ theo con đường mòn nhỏ chạy dọc bìa rừng đặc dụng. Ấn tượng đầu tiên khi đến đây là tiếng chim rừng ríu rít và bầu không khí mát rượi đặc trưng của những cánh rừng nhiệt đới. Hồ rộng hơn 200 ha, nước trong xanh, xung quanh được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh tạo nên vẻ đẹp độc đáo sơn thủy hữu tình.

Buôn Đôn

Nhà sàn cổ

Ngôi nhà lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa (Ảnh – my_hanh_pham)

Nhà sàn này được làm theo kiến trúc nhà sàn của dân tộc Lào, là nhà của Khun Yu Nốb. Đây là nhà của một thợ săn voi nổi tiếng ở bản Đôn và được mệnh danh là vua voi. Hiện tại ngôi nhà đã có đến trên 115 năm tuổi; được làm hoàn toàn bằng các loại gỗ tốt của rừng già Buôn Đôn như Hương, Căm xe, Cà chít…đặc biệt nhất là ngay cả mái ngói cũng được đẽo gọt công phu từng viên bằng tay từ gỗ Cà Chít.

Trong nhà còn lưu giữ rất nhiều kỉ vật về cuộc đời và đồ nghề săn bắt voi của vị vua voi Bản Đôn và những người kế tục. Giá của ngôi nhà khi xây dựng là 10 con voi lớn và mất gần 3 năm để hoàn thành.

Mộ vua Voi

Khu mộ của vua săn voi (Ảnh – Vo Lau)

Đây là khu lăng mộ của gia đình vua voi Khun Yu Nốp, một nhân vật lịch sử đã trở thành một huyền thoại của vùng Bản Đôn nổi tiếng về truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Vua Voi, hay Khun Yu Nốb, là danh hiệu vua Xiêm (Thái Lan) ban cho N’ Thu K’ Nul, người dân gốc được coi như người khai sinh ra Bản Đôn với nghề săn bắt thuần dưỡng voi. Khu lăng mộ vua voi nằm trong quần thể nghĩa địa của buôn Yang Lành với những ngôi mộ được trang trí bằng tượng nhà mồ, một nét rất đặc trưng của văn hoá Tây Nguyên.

Cầu treo Buôn Đôn

Cầu treo Buôn Đôn là một hệ thống các đoạn cầu được kết nối với nhau để du khách có thể di chuyển giữa các điểm (Ảnh – jinyan_kimyen)

Cầu treo buôn Đôn là một cây cầu treo thô sơ bằng vật liệu tre nứa để phục vụ nhu cầu du lịch và cũng là tên một địa danh du lịch nổi tiếng của Bản Đôn. Cầu được làm bằng vật liệu tre, nứa, song, mây có gia cố thêm cáp sắt. Cầu được bắt trên một cây gừa cổ thụ khổng lồ hàng trăm năm tuổi, mọc ven bờ sông Serepôk đoạn chảy qua Bản Đôn và trùm qua một đảo nhỏ giữa dòng Serepôk. Tán cây bao trùm một diện tích tới trên một ha đất với nhiều gốc do các đoạn rễ phụ tạo thành nên trông rất lạ mắt. Cây cầu dài chừng 1 km, với nhiều phân đoạn gắn kết hài hòa với một hệ thống sàn nghỉ, nhà hàng gia công bằng gỗ cũng hoàn toàn nằm trên cây.

Vườn cảnh Trohbư

Vườn cảnh Troh Bư với những tiểu cảnh khá đẹp, trông như Nhật Bản hay Hàn Quốc (Ảnh – rubylovefood)

Vườn cảnh Trohbư là một khu vườn cảnh đẹp ở Đắk Lắk nằm tại Buôn Niêng, xã Ea Nuôl. “Trohbư”, theo tiếng Ê Đê, có nghĩa là “lũng cá lóc suối” (là loại cá lóc nhỏ chỉ bằng chuôi dao, đen chùi chũi, sống trong các suối đá). Hiện tại Trohbư là một khu vườn cảnh với những con đường đi dạo quanh co uốn lượn theo các triền dốc, bờ hồ. Ở đây có cả một bộ sưu tập phong phú và đa dạng về cây, cỏ, hoa và lan rừng; có những ngôi nhà nhỏ đơn sơ mang đậm màu cổ tích nằm ẩn giữa tàn cây; có những tiểu cảnh đẹp làm điểm nhấn.

Vườn quốc gia Yok Đôn

Vườn Quốc gia Yok Đôn mùa lá vàng (Ảnh – titi_moc239)

Vườn nằm trên một vùng tương đối bằng phẳng, với hai ngọn núi nhỏ ở phía nam của sông Serepôk. Rừng chủ yếu là rừng tự nhiên, phần lớn là rừng khộp. Đây là một trong những khu rừng đặc dụng lớn nhất Việt Nam

Cánh đồng điện gió Ea H’leo

Cánh đồng điện gió đã trở thành 1 điểm check-in mới cho các bạn trẻ khi đến Đắk Lắk (Ảnh – pi.chann_)

Tọa lạc tại xã Dlieyang, địa điểm check-in mới nổi này chính là Nhà máy điện gió Dlieyang. Công trình không chỉ có chức năng hứng gió, làm nhiên liệu điện sinh hoạt, mà còn trở thành điểm du lịch nổi tiếng, hút giới trẻ.

Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô

Khu bảo tồn thiên nhiên Ea So (Ảnh – Nguyễn Đức Long)

Đây là khu bảo tồn nằm ở Ea Kar, rất phong phú về số lượng loài và số lượng cá thể trong loài đặc trưng cho rừng nhiệt đới, bao gồm 139 họ với 709 loài thực vật. Hệ động vật rừng có 44 loài thú thuộc 22 họ và 17 bộ, trong đó có 17 loài thuộc diện quý hiếm có trong sách đỏ Việt Nam; 158 loài chim thuộc 51 họ và 15 bộ, trong đó có 9 loài trong sách đỏ Việt Nam; 23 loài lưỡng cư bò sát thuộc 11 họ và 3 bộ, vv… và nơi dây huyền thoại về nơi duy nhất có thể còn có loài bò xám đang còn sống.

Ea Súp

Hồ Thượng Ea Súp

Trên lòng hồ Ea Súp Thượng (Ảnh – Nguyen Toan Thang)

Hồ hình thành do việc chặn dòng suối Ea Súp, được đưa vào sử dụng từ năm 2004 với diện tích mặt nước gần 1.500 ha (lớn gấp 3 hồ Lắk), dung lượng nước chứa có thể lên đến 146 triệu mét khối. Hồ Ea Súp Thượng không chỉ có giá trị to lớn về mặt thủy lợi, thủy sản mà còn hấp dẫn vê du lịch. Lợi Thế của hồ Ea Súp Thượng là mặt nước lớn, tương dối ổn định vào mùa khô, có bán đảo rộng lớn có rừng tự nhiên, xung quanh hồ cũng xanh ngắt cây rừng. Đứng trên đập chính của hồ có thể thấy những cánh rừng tự nhiên rộng lớn về hệ động thực vật phong phú.

Tháp Chàm Yang Prong

Tháp Yang Prong là tháp Chăm duy nhất ở Tây Nguyên (Ảnh – Bui Cong Truong)

Tháp Chàm Yang Prong (Thần vĩ đại) hay còn gọi là Tháp chàm Rừng xanh là một ngôi tháp Chàm ở xã Ea Rốk, cách thị trấn Ea Súp khoảng 15 km, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 100 km. Tháp rất đặc biệt bởi đây là ngôi tháp Chàm duy nhất không được xây dựng trên những ngọn đồi cao, không bóng cây như những ngọn tháp khác mà lại nằm chìm lấp dưới những tán cổ thụ của rừng già Ea Súp và bên dong sông Ea H’leo. Đây cũng chính là ngọn tháp Chàm duy nhất được tìm thấy trên Tây Nguyên.

Krông Ana

Thác Đray Nur

Thác Dray Nur (Ảnh – the_melante)

Thác Đray Nur hay còn viết là Thác Dray Nur nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột 25 km đi theo quốc lộ 14, qua thủy điện Buôn Kuốp‎ gần 3 km và đây là một ngọn thác hùng vĩ mà thiên nhiên đã ban tặng cho Đăk Lăk. Thác có chiều dài trên 250m, chiều cao trên 30m nối liền đôi bờ 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.

Thác Đray Sáp

Thác Đray Sáp (Ảnh – anhnt89)

Thác Đray Sáp còn có tên gọi nữa là thác Chồng (thực chất thác này thuộc địa phận Đắk Nông nhưng lại nằm không xa thác Đray Nur). Theo tiếng Ê Đê, Dray Sap có nghĩa là “thác khói” (dray: thác, sap: Khói), bởi lẽ dòng nước từ trên cao đổ xuống thung lũng tạo thành một khối lớn bụi nước bay là như màu sương khói.

Thác Gia Long

Thác Gia Long nằm giữa những tán cây cổ thụ trong rừng (Ảnh – Minh Hiếu Trần)

Hay còn gọi là thác Đray Sáp Thượng, cách thành phố Buôn Ma Thuột hơn 30 km. Thác có tổng diện tích theo quy hoạch là 105 ha, Thác cao khoảng 30m, rộng khoảng 100m, bằng với chiều rộng của sông Serepôk được bao quanh bởi những cây đại thụ tạo nên cảnh quang vừa hùng vĩ và hoang sơ. Thác có một đường hầm nhân tạo thông giữa các con đường xung quanh, có những mố cầu treo được người Pháp xây dựng từ những năm 30 của thế kỷ XX, những kè đá chắn lũ đẹp nhất Việt Nam cũng được xây cùng thời điểm.

Krông Bông

Thác Krông Kmar

Thác Krông Kmar (Ảnh – Mai Ngọc Lê)

Thác thuộc thị trấn Krông Kmar nằm cách Buôn Ma Thuột 60 km, ngay chân dãy núi Chư Yang Sin hùng vĩ. Thác rất đặc biệt bởi những bãi đá trải dài theo dòng sông, nước trong vắt với những bãi tắm tự nhiên.

Buôn H’Ngô

Buôn căn cứ H’Ngô A, xã Hòa Phong nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng của dòng thác H’Ngô (hay còn gọi là Drai Yang Long). Ngọn thác bắt nguồn từ trên đỉnh Chư Yang Sin chảy xuống tận buôn H’Ngô A nên người dân nơi đây còn gọi thác H’Ngô với cái tên thân thuộc là thác đầu nguồn.

Thác Thủy Tiên

Thác Thủy Tiên (Ảnh – sofju_nguyeen)

Từ trung tâm huyện Krông Năng đi về hướng xã Ea Púk khoảng 8km là tới Thác Thủy Tiên hay còn gọi là Thác Ba Tầng. Đây là một ngọn thác khá đẹp nằm trong khu vực hoang sơ, ít người biết đến. Không những đẹp, nơi đây còn lưu giữ truyền thuyết hào hùng về một người con gái trung trinh, quả cảm

Thiền viện Trúc Lâm Từ Giác

Thiền viện Trúc lâm Từ Giác (Ảnh – Võ Xuân)

Thiền viện Trúc Lâm Từ Giác được xây dựng tại Núi Chư Kuin, thôn Ea Wi, xã Ea Yông, Krông Pắk đây là ngôi chùa trong hệ thống Thiền Tông. Chùa được xây dựng tựa lưng vào núi, trước mặt là hồ nước mênh mông tạo thành cảnh quan tuyệt đẹp. Nhìn từ xa hiện lên như một chủ thể chính trong toàn cảnh bức tranh sơn thủy, thế “tiền thủ hậu sơn” rất hữu tình.

Thác Dray K’nao

Thác Dray Knao (Ảnh – Trọng Lễ NT)

Thác Dray K’nao nằm trên dòng suối Ea Krăng, là hợp lưu của các con suối Ea Tong, Ea Tlư, Ea K’sumg và đổ ra sông Krông Hding. Đầu nguồn của thác là đỉnh núi Cư Pă và dãy Chư Yang Sin hùng vĩ, gắn với nhiều huyền thoại kỳ bí. Khu du lịch này nằm ở huyện M’Đrắk cách TP. Buôn Ma Thuột 87 km theo tuyến Quốc lộ 26.

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tài sản được xem nhiều nhất

Responsive Image
Responsive Image
Responsive Image

Đơn vị hợp tác