Nhà đầu tư ngoại bán ròng, thị trường Việt Nam vẫn hấp dẫn
Mặc dù lượng bán ròng từ các nhà đầu tư nước ngoài từ đầu năm 2021 cho đến nay khá cao, tuy nhiên, thị trường Việt Nam vẫn còn sức hấp dẫn khi P/E vẫn ở mức rẻ hơn so với các nước trong khu vực.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng lớn
Theo VNDirect, nhìn bức tranh dài hơn trong 3 năm vừa qua, kể từ đầu năm 2018, có thể nhận thấy khối ngoại đã liên tục bán ròng, và giá trị bán ròng lũy kế thông qua hình thức giao dịch khớp lệnh lên tới 66 nghìn tỷ đồng. Bù lại, dòng tiền của khối ngoại lại được mua ròng thông qua các lô thỏa thuận lớn, tập trung chủ yếu ở các mã blue chips với giá trị đạt tới trên 100 nghìn tỷ đồng. Mua ròng qua hình thức giao dịch thỏa thuận giúp dòng tiền của khối ngoại vẫn chảy ròng vào thị trường chứng khoán kể từ năm 2018, với giá trị trên 40 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu chỉ tính từ đầu năm 2021 đến hết ngày 09/04/2021, khối ngoại đã thực hiện bán ròng tổng cộng 11.456 tỷ đồng trên cả 3 sàn HSX, HNX và UPCOM. Trong đó, khối ngoại bán ròng gần 21 nghìn tỷ đồng thông qua khớp lệnh nhưng mua ròng hơn 9,5 nghìn tỷ đồng thông qua phương thức giao dịch thỏa thuận. Tính riêng sàn HSX, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 11.033 tỷ đồng, trong đó bán ròng 20.589 tỷ đồng qua hình thức khớp lệnh nhưng mua ròng 8.425 tỷ đồng qua hình thức thỏa thuận.
Khối ngoại bán ròng mạnh trong thời gian vừa qua đến từ nhiều nguyên nhân, đó có thể là khối ngoại thực hiện cơ cấu lại danh mục giữa các thị trường, các quốc gia và giữa các nhóm cổ phiếu, chốt lời sau khi nhiều cổ phiếu đã tăng giá vượt đỉnh… Nhưng về tầm nhìn dài, BVSC cho rằng thị trường Việt Nam vẫn rất hấp dẫn với các động lực từ sự ổn định của kinh tế chính trị, định giá hấp dẫn, kỳ vọng nâng hạng, những điều này sớm thu hút khối ngoại trở lại mua ròng.
Điểm đáng chú ý, giá trị bán ròng của khối ngoại trong những tháng đầu năm 2021 lớn về giá trị tuyệt đối, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của khối ngoại tới diễn biến thị trường không lớn do khi so tỷ lệ giá trị mua bán/giá trị giao dịch khớp lệnh ở mức thấp.
Tính riêng năm 2021, tỷ lệ giá trị bán của khối ngoại chỉ còn chiểm tỷ trọng 8,5% thấp hơn hiều so với mức 11,8% của 2019 hay và 10,6% của năm 2020. Động lực đi lên của thị trường nhờ dòng tiền nội, là do dòng tiền mới chảy vào thị trường khi các kênh đầu tư khác đang đóng băng, thiếu sự hấp dẫn.
Bên cạnh đó, mặc dù bán ròng mạnh trên cả 3 sàn trong quý đầu năm nhưng nhà đầu tư nước ngoài lại mua ròng thông qua các quỹ ETFs. Các quỹ ETFs niêm yết tại nước ngoài có giao dịch khá tích cực trong 3 tháng đầu năm. VanEck và X-tracker FTSE Vietnam ETF đều mua ròng, mức mua ròng lần lượt là 395 tỷ đồng và 594 tỷ đồng. Chỉ có quỹ Ishare là bán ròng nhẹ 34 tỷ đồng.
Còn đối với các quỹ ETFs niêm yết trong nước, đa phần các quỹ đều được mua ròng với giá trị lớn. Đứng đầu là VFMVN Diamond ETF với lượng mua ròng là 3.463 tỷ đồng. Xếp sau đó là VFMVN30 và SSIAM VNFin Lead với giá trị mua ròng lần lượt 682 tỷ đồng và 585 tỷ đồng. Quỹ MAFM Vn30 mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng cũng thu hút được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 16 tỷ đồng.
Định giá thị trường hấp dẫn
So với diễn biến của VnIndex trong quá khứ, hiện tại P/E của VnIndex đã ở cao hơn mức trung bình 5 năm. Tuy nhiên, theo quan sát của các chuyên gia VNDirect, tại mức P/E hiện tại, xác suất thị trường giảm điểm sau khi cắt lên trên đường biên trên của dải +/-1 phương sai là không cao. Thêm vào đó, với sự hồi phục của nền kinh tế, theo dự báo của VNDirect lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng 27,3% vào năm 2021 (so với năm 2020). Với mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, P/E của VnIndex có thể sẽ giảm về mức 15 lần đây là mức thấp hơn so mức trung bình trượt 5 năm – 16,41 của VnIndex và vẫn có được sự hấp dẫn.
Được đánh giá có sức hút hơn so với các thị trường khác trong khu vực, song điều rất cần là khả năng thu hút vốn ngoại, liên thông với dòng vốn đầu tư trên thế giới để mặt bằng định giá của các cổ phiếu Việt Nam về mặt bằng chung. Đến nay, thanh khoản của thị trường, cùng các quỹ ETF tham gia vào thị trường cũng đã góp phần giúp mặt bằng định giá của thị trường Việt Nam tiến sát hơn tới các thị trường khác trên thế giới.
Tính đến ngày 09/04/2021, so với mẫu 12 thị trường mà các chuyên gia VNDirect quan sát bao gồm các quốc gia ở thị trường cận biên, mới nổi và phát triển, P/E của VnIndex hiện ở mức 19,11– mức thấp thứ 4 trong số 13 thị trường mà VNDirect đánh giá và chỉ cao hơn P/E của chỉ số Shanghai (17.61) của Trung Quốc, Hang Seng (14,86) của Hồng Kông và KOSPI (12,99) của Hàn Quốc. Đây cũng là 3 thị trường có mức giảm mạnh hơn 10%, trong tháng 2 và 3 vừa qua.
Trong khi đó, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán HSX lại ở mức cao nhất trong số các thị trường được VNDirect theo dõi. Điều này cho thấy nhìn chung, với tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu cao.Các mã cổ phiếu nằm trong rổ chứng khoán VnIndex đang được giao dịch tại vùng giá còn triển vọng.
Ý kiến của bạn
Tin liên quan
- Doanh nghiệp năng lượng bất lực vì “Giấy phép hoạt động điện lực”? (07/05/2021, 07:30)
- Khi FDI “đổ bộ” vào năng lượng xanh (07/05/2021, 07:28)
- Giá vật liệu xây dựng tăng cao làm "chùn bước" nhà thầu (07/05/2021, 07:26)
- Nhà đầu tư ngoại bán ròng, thị trường Việt Nam vẫn hấp dẫn (07/05/2021, 07:24)
- Trái phiếu xanh của BIM Land hay cơ hội vốn mới của doanh nghiệp Việt? (07/05/2021, 07:22)
- Vì sao cha đẻ ST25 muốn nhượng quyền giống lúa ST25 cho Nhà nước? (07/05/2021, 07:20)
Ý kiến bạn đọc (0)