Doanh nghiệp năng lượng bất lực vì “Giấy phép hoạt động điện lực”?
Giấy phép hoạt động điện lực không phải giấy phép kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, nếu không có giấy phép này doanh nghiệp năng lượng sẽ không được hoàn thuế VAT.
Quy định bất khả thi
Theo Nghị định 100/2016, để được cấp giấy phép hoạt động điện lực thì dự án của doanh nghiệp phải được xác định là đã hoàn thành, và vận hành chính thức. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, “nếu dự án đầu tư đã hoạt động rồi, lại thuộc diện không được hoàn thuế VAT”.
Bỏ hàng tỷ USD đầu tư dự án nhưng không được hoàn thuế VAT khiến nhiều doanh nghiệp đầu tư năng lượng ngành điện gặp khó (Ảnh: Lắp đặt hệ thống pin mặt trời dưới các trụ điện gió.
Vậy, điều kiện cần và đủ là gì để doanh nghiệp có cơ hội được hoàn thuế VAT? Hay lại là giấy phép con? Và đây chính là điểm bất cập khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, gặp không ít khó khăn khi vốn đầu tư rót vào các dự án lớn, nhưng lại không được hoàn thuế VAT.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp điện gió tại Đăk Lăk, về cơ bản, các quy định về hoàn thuế VAT để hỗ trợ các dự án trong giai đoạn đầu tư đã được ban hành. Thế nhưng, trên thực tế, các quy định này lại không được áp dụng cho dự án ngành điện, như: điện gió, thuỷ điện, điện mặt trời… là hết sức bất cập.
Dẫn chứng về câu chuyện trên, vị đại diện cho biết, năm 2020, công ty lập hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu vào cho dự án, nhưng suốt từ đó đến nay liên tục bị trả hồ sơ. Và lý do được đưa ra là: “ngành thuế có văn bản yêu cầu hồ sơ xin hoàn thuế phải có giấy phép hoạt động điện lực. Do đó, dự án đang trong thời gian đầu tư sẽ không được hoàn thuế VAT”?
Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, dự án mà công ty đang đầu tư có tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng, và theo quy định thì doanh nghiệp sẽ được hoàn lại khoản thuế VAT gần 1.500 tỷ. Thế nhưng thực tế thì doanh nghiệp lại không được hưởng vì những quy định nêu trên là hết sức bất cập. "Đáng lẽ có được số tiền trên thì doanh nghiệp có thể chủ động làm tiếp dự án thì ngược lại, doanh nghiệp lại phải đi vay bên ngoài với lãi suất cao" – đại diện doanh nghiệp nói.
Tương tự, ông Nguyễn Tâm Thịnh - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Nam, cho biết: Hiện Tập đoàn Trung Nam đang đầu tư các dự án năng lượng tái tạo quy mô lên tới 2 tỷ USD, ước tính khoản thuế được hoàn hơn 2.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, Cục thuế tỉnh Ninh Thuận, Đăk Lăk, Trà Vinh phản hồi với doanh nghiệp, “dự án nằm trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực thì không được hoàn thuế” – ông Thịnh cho biết.
Cũng theo ông Thịnh, trên thực tế, để được cấp giấy phép hoạt động điện lực, dự án phải hoàn thành, vận hành chính thức. Bất cập ở chỗ, nếu dự án đầu tư đã hoạt động rồi, lại thuộc diện không được hoàn thuế VAT theo Nghị định 100/2016. Do đó, "đây là điểm bất cập khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi vốn đầu tư rót vào các dự án lớn, mà không được hoàn thuế" - ông Thịnh bức xúc.
Theo Cục thuế tỉnh Ninh Thuận, Đăk Lăk, Trà Vinh: “dự án nằm trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực thì không được hoàn thuế VAT”? Ảnh Quốc Tuấn
Nên cho phép được hoàn thuế khi đã ký hợp đồng mua bán điện
Do đó, để hỗ trợ cho doanh nghiệp ông Thịnh kiến nghị, thay vì cần giấy phép điện lực mới được hoàn thuế, các cấp có thẩm quyền nên cho phép các dự án năng lượng được hoàn thuế giá trị gia tăng khi đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA), và dùng nguồn này tiếp tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.
Đáng chú ý, trước đó, liên quan tới quy định về giấy phép hoạt động điện lực, Bộ Công Thương cho hay: “Luật Điện lực cũng như lĩnh vực điện lực không có quy định về giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Vì vậy, thay vào đó, Luật Điện lực chỉ quy định về giấy phép hoạt động điện lực và được Bộ Công Thương cấp sau khi các dự án hoàn thành xây dựng, lắp đặt tổ máy và doanh nghiệp trình nộp hồ sơ theo quy định”.
Do đó, "Giấy phép hoạt động điện lực không phải giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hay giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện" - Bộ Công Thương khẳng định.
Dự án Vân Phong 1 và Nghi Sơn 2 cũng đang gặp vướng mắc về hoàn thuế VAT trong thời gian xây dựng
Còn nhớ, dự án Vân Phong 1 và Nghi Sơn 2 cũng đang gặp vướng mắc về hoàn thuế VAT trong thời gian xây dựng. Giải thích về các trường hợp này, Bộ Công Thương cho rằng, bộ hợp đồng BOT của hai dự án này được Chính phủ cam kết, bảo lãnh, nên việc dừng hoàn thuế VAT sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền, tiến độ vận hành thương mại và có thể dẫn tới các thủ tục pháp lý, trách nhiệm của Chính phủ trong bảo đảm cho dự án. Do đó, Bộ Công thương kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, chỉ đạo các cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế VAT trong thời gian xây dựng cho hai dự án nêu trên.
Ý kiến của bạn
Tin liên quan
- Doanh nghiệp năng lượng bất lực vì “Giấy phép hoạt động điện lực”? (07/05/2021, 07:30)
- Khi FDI “đổ bộ” vào năng lượng xanh (07/05/2021, 07:28)
- Giá vật liệu xây dựng tăng cao làm "chùn bước" nhà thầu (07/05/2021, 07:26)
- Nhà đầu tư ngoại bán ròng, thị trường Việt Nam vẫn hấp dẫn (07/05/2021, 07:24)
- Trái phiếu xanh của BIM Land hay cơ hội vốn mới của doanh nghiệp Việt? (07/05/2021, 07:22)
- Vì sao cha đẻ ST25 muốn nhượng quyền giống lúa ST25 cho Nhà nước? (07/05/2021, 07:20)
Ý kiến bạn đọc (0)