Du lịch cộng đồng – Sức hút từ Đắk Lắk
Với tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, đa dạng và độc đáo thể hiện đời sống, sinh hoạt văn hóa và phong tục tập quán của các cộng đồng dân cư bản địa, đặc biệt là kiến trúc truyền thống nhà sàn dài của đồng bào dân tộc Ê đê, M'nông... Đắk Lắk có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng.
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã đưa ra định hướng về sản phẩm du lịch của tỉnh, theo đó đến năm 2020 sẽ tập trung xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với việc bảo tồn và phát triển các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Lợi thế bước đầu
Đắk Lắk có 47 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ trên 30%. Chính vì vậy, du lịch cộng đồng thời gian gần đây được xem là loại hình du lịch bền vững góp phần xóa đói giảm nghèo, đóng góp vào nguồn ngân sách địa phương và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngày nay, tìm về với thiên nhiên hoang sơ, những buôn làng của người dân tộc thiểu số để trải nghiệm, khám phá những gì có được trong không gian thân thiện là xu thế được đông đảo khách du lịch lựa chọn. Nắm bắt được xu thế đó, không ít doanh nghiệp và cộng đồng trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột đã nhanh chóng hình thành nên nhiều khu, điểm du lịch văn hóa - sinh thái - cộng đồng nhằm phục vụ du khách. Thành phố Buôn Ma Thuột hiện có khoảng 5 - 6 khu, điểm du lịch cộng đồng được đầu tư, khai thác có hiệu quả và ngày càng khẳng định được hình ảnh của mình trên bản đồ Du lịch Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung. Một số khu, điểm như: Khu du lịch văn hóa - sinh thái - cộng đồng Kô Tam (phường Tân Hòa), Khu du lịch sinh thái Đầu Nguồn, buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi), Đồi Thông (xã Hòa Thắng), Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng Suối Ong (phường Khánh Xuân), Du lịch Nông nghiệp Cà phê - Ca cao G20 (xã Ea Tu)… lần lượt được đưa vào khai thác, phục vụ du khách theo tinh thần hợp tác với người dân địa phương đang thu hút ngày càng nhiều du khách.
Trong đó, buôn Akô Dhông tại phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột vừa được chọn quy hoạch làm điểm du lịch cộng đồng có quy mô nhất trên địa bàn Đắk Lắk vào tháng 9/2019. Theo quy hoạch, điểm du lịch cộng đồng buôn Akô Dhông rộng hơn 55ha, quy mô dân số khoảng 2.200 - 3.000 nhân khẩu, trong đó hơn 30% đồng bào Ê Đê ở buôn Akô Dhông sinh sống bằng nghề dệt thổ cẩm, làm rượu cần, chế tác đồ thủ công mỹ nghệ và mở dịch vụ giải trí văn hóa - văn nghệ truyền thống, phục vụ du khách trong nước và quốc tế.
Tham gia khai thác những mô hình du lịch này cũng là cơ hội để người dân địa phương bảo tồn, quảng bá văn hóa truyền thống đến với du khách, nhất là văn hóa của đồng bào dân tộc thiệu số. Đồng thời, khi du khách có nhu cầu mua sắm (nhạc cụ tre trúc, thổ cẩm…), thưởng lãm văn hóa cồng chiêng hay lưu trú homestay trong ngôi nhà dài ở buôn làng… thì người dân có thể cung cấp dịch vụ, hàng hóa để vừa trang trải cuộc sống, vừa gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Để du lịch cộng đồng thu hút ngày càng nhiều du khách
Thời gian qua, tuy một số địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức mô hình du lịch cộng đồng, nhưng kết quả đạt được còn chưa cao. Để tạo được sản phẩm du lịch cộng đồng đặc trưng và tạo điểm nhấn nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần thu hút lượng khách tới tham quan du lịch tăng nhanh trong thời gian tới, cần chú trọng một số giải pháp sau:
Một là, xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk để làm cơ sở đầu tư và kêu gọi đầu tư thực hiện đề án.
Hai là, có sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ nguồn lực của UBND tỉnh, sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và chính quyền địa phương; sự hưởng ứng tích cực của tổ chức, doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành và cộng đồng dân cư vào việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng.
Ba là, đầu tư phát triển mô hình du lịch cộng đồng cần quan tâm giữ gìn, tôn tạo những giá trị văn hóa, lịch sử bản địa; ổn định cuộc sống của người dân trong vùng dự án; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; đảm bảo vệ sinh môi trường; đặc biệt cộng đồng cư dân nơi du lịch phát triển phải được hưởng lợi từ việc phát triển du lịch cộng đồng.
Bốn là, xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng cần phong phú và đa dạng, đáp ứng được nhu cầu chủ yếu của khách du lịch (như du khách phải được gặp gỡ, giao lưu với cộng đồng địa phương; trải nghiệm văn hóa, cuộc sống thường ngày của người dân; tham quan phong cảnh…); và thu hút được các doanh nghiệp đầu tư về dịch vụ như hướng dẫn, ẩm thực, lưu trú, nhất là lưu trú tại nhà dân (homestay)…
Ý kiến bạn đọc (0)