Xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt để đón “đại gia” công nghệ

Để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang xây dựng các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, điều chỉnh tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao nhằm tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư.

Lo “tiếp sóng”, điều chỉnh tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao

“Sóng” đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao tiếp tục mạnh lên, khi mới đây, tỉnh Quảng Ninh đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam, vốn đầu tư 500 triệu USD, còn Thái Nguyên đang “khấp khởi” với việc có thể Tập đoàn AT&S của Áo vào trung tuần tháng 4 này sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có đầu tư dự án công nghệ cao 1,5 tỷ EUR hay không.

“Làn sóng các doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam là có thật”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nói như vậy sau khi nhắc đến hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam, như Samsung, Foxconn, Luxshare, Intel…

Theo ông Hoàng, hầu hết các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đều có các hoạt động đầu tư tại Việt Nam, hoặc chí ít là đang nghiên cứu, tìm hiểu.

Để đón làn sóng này, gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có một loạt động thái quan trọng. Mới nhất là vào trung tuần tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao mới.

Theo đó, một trong những thay đổi được cho là rất quan trọng, đó là tỷ lệ tổng chi cho hoạt động R&D của doanh nghiệp có nguồn vốn 6.000 tỷ đồng trở lên và tổng số lao động 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 0,5%; còn doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 1% giá trị của tổng doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào (gồm giá trị nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất nhập khẩu, mua nội địa) hàng năm.

Không những vậy, khoản chi cho hoạt động R&D còn được tính cả khấu hao đầu tư hạ tầng, tài sản cố định, hoạt động đào tạo, hỗ trợ đào tạo cho lao động R&D, chi thường xuyên cho R&D, phí bản quyền… “Quy định vậy sẽ tạo điều kiện cho chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi không phải quá ‘nặng gánh’ về việc phải thực hiện các cam kết chi cho R&D”, một nhà đầu tư nước ngoài quy mô lớn nói với phóng viên Báo Đầu tư như vậy.

Theo thông tin từ Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học - Công nghệ), trước đây, Chính phủ quy định nhân lực hoạt động R&D phải là “đại học”, thì giờ đây, được chấp nhận cả “cao đẳng”. Nhà đầu tư vì thế “dễ thở” hơn!

Cũng cần phải nhắc lại rằng, càng ngày các quy định về tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao càng được điều chỉnh theo hướng khả thi hơn và tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều cho doanh nghiệp. Trước đây, Luật Công nghệ cao quy định, muốn được hưởng ưu đãi, doanh nghiệp công nghệ cao phải cam kết chi 1% doanh thu cho hoạt động R&D. Chưa kể, còn phải có 5% tổng số lao động tham gia hoạt động R&D.

1% doanh thu là tỷ lệ quá cao, khiến ngay cả các tên tuổi lớn như Samsung, LG, Intel, Bosch cũng không thể đáp ứng được. Tuy nhiên, năm 2015, tiêu chí đã được sửa đổi, thay vì “doanh thu”, Chính phủ xác định tỷ lệ đầu tư cho R&D dựa trên “doanh thu thuần”. Và nay, một lần nữa, tiêu chí được sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi hơn: doanh thu thuần trừ chi phí nguyên vật liệu đầu vào và ngân sách chi cho hoạt động R&D được tính gộp nhiều khoản.

Xây ưu đãi vượt trội để đón “đại gia”

Một thông tin quan trọng được ông Đỗ Nhất Hoàng chia sẻ, đó là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trong quá trình hoàn thiện, lấy ý kiến các bộ, ngành để trình Chính phủ thông qua quyết định về các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhằm hiện thực hóa các định hướng chiến lược, mà Bộ Chính trị đã “quyết nghị” trong Nghị quyết số 50/NQ-TW.

“Một phần các quy định này đã được thể chế hóa trong Điều 20, Luật Đầu tư sửa đổi. Và bây giờ sẽ là một quyết định riêng của Thủ tướng Chính phủ”, ông Hoàng lý giải và cho biết, các ưu đãi đặc biệt sẽ được dành cho các dự án trung tâm đổi mới sáng tạo, bao gồm cả Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, các dự án R&D, các dự án quy mô lớn trên 30.000 tỷ đồng, giải ngân 10.000 tỷ đồng trong vòng 3 năm…

“Chúng tôi đã đề xuất 4 tiêu chí để xác định doanh nghiệp có được hưởng ưu đãi đặc biệt hay không, đó là công nghệ, chuyển giao công nghệ, cho doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị và giá trị gia tăng ở Việt Nam”, ông Hoàng nói.

Không đề cập cụ thể các ưu đãi đặc biệt là gì, song ông Hoàng khẳng định, với các cơ chế ưu đãi đặc biệt, cộng thêm sự chuẩn bị sẵn sàng về mặt bằng, năng lượng, nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thể chế, chính sách, tới đây, Việt  Nam sẽ thu hút được nhiều hơn các dự án công nghệ cao.

“Cơ hội đang mở ra cho Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài đang đánh giá Việt Nam là điểm đến an toàn và hấp dẫn, do vậy chúng ta phải có sự chuẩn bị sẵn sàng để đón cơ hội lớn này”, ông Hoàng nói.

Để tận dụng cơ hội đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển, Điều 20, Luật Đầu tư sửa đổi đã quy định, với các dự án quy mô lớn, dự án R&D, dự án của các tập đoàn đa quốc gia, dự án có tác động lớn tới phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ sẽ quyết định việc áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt. Các chính sách ưu đãi này sẽ vượt khung, đủ sức cạnh tranh quốc tế.

Theo quan điểm của các chuyên gia, quy định này sẽ mở ra cơ hội đàm phán sòng phẳng cơ chế ưu đãi giữa nhà đầu tư và Chính phủ Việt Nam, để đảm bảo đôi bên cùng có lợi.

(Theo Báo Đầu tư - Ngày 06/4/2021).

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tài sản được xem nhiều nhất

Responsive Image
Responsive Image
Responsive Image

Đơn vị hợp tác