Nét mới tiếp cận thị trường châu Âu: hướng đến giá trị bền vững
Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và châu Âu đạt trên 56,45 tỷ USD, tăng 1,11% so với năm 2018. Châu Âu hiện là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Với mong muốn giúp doanh nghiệp Việt Nam có thêm thông tin về những giải pháp hỗ trợ trong việc hoàn thiện nhà máy sản xuất, nắm rõ cách thức thương mại hóa sản phẩm vào thị trường châu Âu, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp Công ty Source of Asia (SOA) (một trong những công ty hàng đầu về hỗ trợ xuất khẩu tại Việt Nam và châu Á Thái Bình Dương) tổ chức Hội thảo trực tuyến “Cách thức mở rộng thị trường và nắm bắt cơ hội kinh doanh với khách hàng châu Âu”.
Trong nội dung đầu tiên về xuất khẩu theo hướng đi mới: Cách tiếp cận bền vững của khách hàng, đại diện Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho rằng việc phát triển xuất-nhập khẩu theo yêu cầu bền vững đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải luôn đầu tư nghiên cứu, áp dụng những chính sách phù hợp được xây dựng và cải tiến trên cơ sở khoa học, hài hòa giữa mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường.
Theo phân tích của ông Zachaier, Giám đốc Bộ phận chuỗi cung ứng SOA, xu hướng tiêu dùng của người châu Âu đang thay đổi và thay đổi nhanh hơn kể từ khi xảy ra dịch COVID-19; trong đó, người mua hàng ngày càng quan tâm đến sự bền vững, bao gồm truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm xã hội, yếu tố bảo vệ môi trường. Khách hàng sẽ ưu tiên lựa chọn các sản phẩm được sản xuất thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng xanh và đảm bảo lợi ích cho người lao động.
Vì vậy, hai giá trị “bền vững” luôn được doanh nghiệp Châu Âu đánh giá cao khi ra quyết định hợp tác kinh doanh là nhà máy hợp chuẩn và yếu tố sử dụng năng lượng tái tạo. Theo ông Huỳnh Thanh Trung, Giám đốc Công ty LeanWares, một nhà máy cần phải được thiết lập hợp chuẩn để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và bền vững. Cụ thể, một nhà máy hợp chuẩn cần phải xây dựng được các thành tố sau: cơ sở vật chất và môi trường, máy hiệu chuẩn và bảo trì, hệ thống quản lý chất lượng, kiểm soát vật liệu nhập/xuất, quy trình và kiểm soát sản xuất, thử nghiệm trong nhà, kiểm tra cuối cùng, nguồn nhân lực, chuyển đổi số.
Về yếu tố sử dụng mái che năng lượng mặt trời, ông Đỗ Văn Huy, Quản lý dự án Shire Oak International tại Việt Nam nhìn nhận rằng trong bối cảnh thế giới chịu nhiều áp lực về bảo đảm nguồn cung ứng điện thì việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời, điện mặt trời áp mái được xem là một trong những giải pháp góp phần làm đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng, đặc biệt là nguồn năng lượng sạch, nâng cao khả năng cung ứng nguồn điện cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Do đó, các đối tác châu Âu sẽ đề cao giá trị doanh nghiệp khi doanh nghiệp đó vận hành tốt năng lượng tái tạo vào năng suất sản xuất và kinh doanh, và càng gây được thiện cảm nếu doanh nghiệp Việt Nam hiểu cơ bản về văn hóa giao tiếp và kinh doanh của các nước châu Âu.
Nêu dẫn chứng về các doanh nghiệp Việt Nam thành công trong việc tiếp cận thị trường quốc tế, bà Đinh Thị Tuyết Nhung, Trưởng bộ phận phát triển thị trường quốc tế SOA thông tin: Điểm chung của các doanh nghiệp xuất khẩu được sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam ra nước ngoài như Vinamilk, Viettel hay Kova đều là tập trung chất lượng sản phẩm ngay từ khi phát triển thị trường trong nước. Khi đã có chỗ đứng nhất định mới xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường nước ngoài với mục tiêu hợp lý; đầu tư nghiên cứu kỹ nhu cầu, thị hiếu của từng thị trường cụ thể và lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Hội thảo thu hút gần 100 doanh nghiệp tham gia tương tác sôi nổi trên nền tảng hội thảo trực tuyến. Chương trình được đánh giá mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường sang châu Âu và cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bền vững, một giá trị kiên quyết trong thương mại toàn cầu hóa.
Ý kiến của bạn
Tin liên quan
- Tạo “lực đẩy” cho nông sản, thực phẩm Việt Nam tiến sâu vào thị trường Nhật Bản (04/06/2021, 02:16)
- Đưa nông sản lên chợ online (04/06/2021, 02:12)
- Xuất khẩu cùng thương mại điện tử đang gặp lúc “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” (04/06/2021, 01:44)
- Tận dụng thời cơ vàng để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ (04/06/2021, 01:42)
- Nét mới tiếp cận thị trường châu Âu: hướng đến giá trị bền vững (04/06/2021, 01:39)
Ý kiến bạn đọc (0)