Du lịch Đắk Lắk: Tiềm năng và định hướng phát triển

Nằm về phía Tây Nam dãy Trường Sơn, là một tỉnh miền núi ở Tây Nguyên với diện tích tự nhiên 13.030,49 km². Đắk Lắk có cấu tạo địa hình như một mái nhà phòng hộ, góp phần bảo vệ sinh thái cho vùng duyên hải phía Đông và vùng đồng bằng rộng lớn phía Nam. Thiên nhiên kỳ thú đã tạo cho ĐăkLăk có được một tiềm năng du lịch sinh thái hấp dẫn, độc đáo với những ngọn thác hùng vĩ như thác Gia Long (thác Dray Sáp thượng), thác Krông Kmar, thác Thủy Tiên, thác Bảy Nhánh, thác Dray Nur, thác Dray Nao, thác Suối mơ... nhiều hồ lớn thơ mộng như hồ Lăk, hồ Ea Kao, hồ Ea Đờn, hồ Đăk Minh, hồ Ea Nhái..., các khu rừng nguyên sinh : vườn quốc gia Yok Đôn, vườn quốc gia Chư Yang Sin, khu lâm viên Ea Kao...

Thêm vào đó, Đắk Lắk còn là nơi lưu giữ nhiều nét đặc thù về giá trị văn hóa dân gian, phong tục tập quán của cộng đồng 49 dân tộc anh em cùng chung sống, với những di tích kiến trúc cổ ghi lại dấu ấn của lịch sử và phong trào hoạt động cách mạng của thế hệ cha anh. Với đàn voi rừng trên 50 con đã được thuần dưỡng phục vụ cho đời sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc và phục vụ khách du lịch. Đắk Lắk nói chung và Buôn Đôn nói riêng nhờ thế mà trở thành một địa danh hấp dẫn, nổi tiếng trên thế giới về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng.
Hiện nay, Đắk Lắk đã có 38 di tích được xếp hạng là di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc và danh lam thắng cảnh. Trong đó, có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh cùng với di sản thế giới " Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên " được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trên 70 di tích phân bổ đều khắp địa bàn toàn tỉnh. Các di tích này được khách du lịch thường xuyên đến tham quan nhằm mục đích thưởng ngoạn và tìm hiểu về truyền thống lịch sử, phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc và nhân dân trong tỉnh.
Với hệ thống gồm 83 khách sạn và 133 nhà khách, nhà nghỉ như hiện nay, Đắk Lắk đủ khả năng đón tiếp 10.000 lượt khách lưu trú cùng một thời điểm và có thể tổ chức những hội nghị, hội thảo lớn. Trong thời gian đến sẽ xây dựng mới nhiều khách sạn để đáp ứng nhu cầu và tốc độ tăng trưởng về lượt khách dự kiến sẽ tăng bình quân 15 - 20% mỗi năm.

Hệ thống giao thông, đường hàng không đến Đắk Lắk, đường bộ đến các điểm du lịch được đầu tư khá hoàn chỉnh, hầu hết những khu du lịch trọng điểm đã được trải nhựa đến tận chân hàng rào khu du lịch.

Với vị trí là trung tâm của vùng Tây Nguyên, Phía bắc giáp tỉnh Gia Lai qua quốc lộ 14 sẽ đến trung tâm kinh tế Đà Nẵng và khu công nghiệp Dung Quất, khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam, Quảng Ngãi). Phía Đông giáp tỉnh Khánh Hòa qua quốc lộ 26, là trung tâm du lịch lớn của vùng Duyên hải Miền Trung và cả nước, đồng thời có cảng biển giao thương hàng hóa với nước ngoài. Phía Nam là các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh qua quốc lộ 14. Cùng với việc Chính phủ đầu tư tuyến đường Hồ Chí Minh, hàng loạt các công trình đầu tư nhằm khai thác lợi thế của tuyến giao thông này. Điển hình là việc đầu tư xây dựng cửa khẩu quốc tế Bờ Y (KonTum) và các trục giao thông sẽ hình thành nhánh của con đường xuyên Á bắt đầu từ Côn Minh (Trung Quốc) - Myanmar – Lào - Thái Lan qua cửa khẩu Bờ Y tạo mối quan hệ thương mại quốc tế giữa các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào với các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải Miền Trung và Đông Nam Bộ. Đây cũng là điều kiện khá lý tưởng để thu hút khách du lịch các nước theo tuyến đường bộ này vào Tây Nguyên – Đắk Lắk cũng như khuyến khích du khách Đắk Lắk đi du lịch nước ngoài.

Vì thế, để du lịch Đắk Lắk ngày càng phát triển và sớm trở thành một trong những tỉnh trọng điểm về phát triển du lịch trong cả nước trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa lịch sử, huy động tối đa nguồn lực trong tỉnh và tranh thủ sự hợp tác trong và ngoài nước. Tỉnh Đắk Lắk đã ban hành chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực du lịch để thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào phát triển du lịch. Bên cạnh đó, ngành du lịch Đắk Lắk đã hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, các quy hoạch chi tiết và các dự án đầu tư cho các khu du lịch cũng đã được hình thành để triển khai đầu tư và tiếp tục kêu gọi đầu tư.

Đắk Lắk có nhiều tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và lịch sử văn hóa, đây là điều kiện thuận lợi sẵn có cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch, do vậy, cần chú trọng đến việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại các khu, điểm du lịch nhằm tạo sắc thái riêng cho du lịch Đắk Lắk trong hình ảnh du lịch Tây Nguyên nói chung.

Sản phẩm du lịch Đắk Lắk bao gồm : Du lịch trên hồ, sông nước; Du lịch leo núi; Du lịch hang động ; Du lịch dã ngoại, sinh thái (đi bộ xuyên rừng kết hợp đi voi); Du lịch tham quan bảo tàng cách mạng, bảo tàng dân tộc, các di tích lịch sử văn hoá ( nhà đày Buôn Ma Thuột, Chùa sắc tứ Khải Đoan, Đình Lạc Giao, tháp Chăm Yang Prông); Lễ hội văn hoá như hội voi, lễ hội đâm trâu, hội cồng chiêng, lễ bỏ mã, lễ mừng lúa mới, lễ cúng bến nước, lễ cúng voi, lễ mừng nhà mới; Du lịch nghiên cứu khoa học ... Ngoài ra, tỉnh còn chủ trương khuyến khích phát triển thêm các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, mộc mỹ nghệ, điêu khắc tạc tượng nhà mồ ..., trước mắt tập trung ở các buôn làng lân cận Thành phố Buôn Ma Thuột, các thị tứ, thị trấn. Sau đó sẽ phát triển tới các vùng sâu vùng xa. Đồng thời sẽ mở rộng về quy mô của các làng nghề hiện có, đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm nhằm khôi phục lại nền văn hóa, bản sắc dân tộc của đồng bào và cung cấp sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho ngành du lịch để bán cho du khách làm quà lưu niệm.

Hỗ trợ cho công tác thông tin và xúc tiến quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức như tham gia và tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư, liên hoan du lịch, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế, phát hành các ấn phẩm du lịch Đắk Lắk, đưa thông tin trên wesbite... để tạo cơ hội hòa nhập vào thị trường quốc tế. Trong điều kiện các doanh nghiệp của tỉnh chưa đủ mạnh, Nhà nước giữ vai trò quan trọng trong việc xúc tiến, hỗ trợ cho các doanh nghiệp thâm nhập và nâng cao hình ảnh của du lịch Đắk Lắk trên thị trường.

Tiếp cận và mở rộng thị trường trên cơ sở xây dựng các chương trình quảng bá du lịch từ mọi nguồn. Mở rộng quan hệ với các văn phòng đại diện du lịch trong nước để xây dựng các tour đưa khách đến Đắk Lắk. Hợp tác khai thác, phát triển du lịch trong khuôn khổ chương trình hợp tác tam giác phát triển Việt Nam - Lào - CamPuChia.

Cùng với tiềm năng vốn có và cơ chế, chính sách ưu đãi thông thoáng, du lịch Đắk Lắk có triển vọng phát triển nhanh và vững chắc. Hy vọng trong những năm tới, Đắk Lắk sẽ được biết đến như một địa danh du lịch hấp dẫn và lý tưởng, là vùng đất có tiềm năng thu hút đầu tư và du lịch đầy hứa hẹn đối với du khách và doanh nhân ở khắp mọi miền đất nước./.

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Follow

Tài sản được xem nhiều nhất

Responsive Image
Responsive Image
Responsive Image

Đơn vị hợp tác