Xuất khẩu cùng thương mại điện tử đang gặp lúc “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”
Trong bối cảnh “nguy” vì dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp cũng biến đó thành cơ hội, làm động lực thúc đẩy bước sâu vào cuộc chơi số, chuyển đổi công nghệ để thích nghi với bối cảnh mới.
Phát biểu mở đầu Tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Tín, Giám đốc ITPC nhận định về cơ hội của thương mại điện tử. Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất, xúc tiến thương mại và giao thương hàng hóa của các doanh nghiệp. Cách buôn bán truyền thống không còn sử dụng được khi phải giãn cách xã hội. Chính điều kiện thực tế đã khiến các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy và cách buôn bán. Trong bối cảnh “nguy” vì dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp cũng biến đó thành cơ hội, làm động lực thúc đẩy bước sâu vào cuộc chơi số, chuyển đổi công nghệ để thích nghi với bối cảnh mới. So với xuất khẩu trực tiếp thì xuất khẩu hàng trực tuyến qua mạng sẽ khắc phục được các yếu điểm về địa lý, về số lượng hàng hóa và khả năng tiếp cận thị trường đồng thời lại giảm được chi phí.
Theo ông Nguyễn Hữu Tín, về phía quản lý nhà nước, từ trung ương đến địa phương đã có sự thống nhất về đường lối, quan điểm, chính sách ủng hộ sự phát triển của chuyển đổi số, của thương mại điện tử. Ở trung ương có Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quyết định 749 nêu rõ quan điểm của Nhà nước về chuyển đổi số là: nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, người dân là trung tâm của chuyển đổi số, thể chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số, phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định 2393/QĐ-UBND ngày 03/7/2020 về phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc khu vực phía Nam của Amazon Global Selling Việt Nam cho rằng mô hình doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến trên toàn cầu như Amazon đang làm có nhiều khác biệt so với truyền thống. Doanh nghiệp ngồi ở Việt Nam có thể phục vụ khách hàng toàn cầu, không có sự cản trở về thời gian và không gian.
Ông Trần Thanh Tùng - Giám đốc Phân khúc Khách hàng MM và USME Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đề cập đến những lợi ích mà Techcombank có thể mang lại cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo ông Tùng, cái khó đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ là làm sao để có nguồn vốn kịp thời, có thể thực hiện giao dịch nhanh chóng, đơn giản, an toàn với chi phí hợp lý nhất. Chính vì vậy Techcombank đã đưa ra gói “Business one plus” cho doanh nghiệp.
Trả lời câu hỏi của một doanh nghiệp là “muốn ứng trước giá trị bộ chứng từ để có vốn xoay vòng”, ông Tùng cho biết: “Khi doanh nghiệp xuất hàng rồi, trong lúc chờ tiền về, chúng tôi có thể ứng trước vốn, nói nôm na là mua trước bộ chứng từ. Khi doanh nghiệp có kế hoạch, có đơn hàng xuất khẩu thì Techcombank có thể cấp vốn trong hạn mức nào tùy theo từng ngành nghề khác nhau”.
Đề cập đến vấn đề mà nhiều doanh nghiệp quan tâm là “làm thế nào để các doanh nghiệp có thể bán hàng qua Amazon”, ông Trần Xuân Thủy nói: “Thực ra kinh doanh trên nền tảng Amazon về cơ bản nó không phức tạp. Ta có thể ngồi ở Việt Nam thông qua Amazon có thể phục vụ khách hàng ở nhiều nơi”.
Theo ông Thủy, Amazon hiện đang có 180 trung tâm xử lý hàng trên toàn cầu. Nền tảng này giúp cho sản phẩm doanh nghiệp có thể được chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng trong thời gian ngắn 1- 2 ngày.
Amazon đã có quá trình “nội địa hóa” để phục vụ doanh nghiệp Việt Nam tham gia. “Chúng tôi đã có công cụ để sử dụng tiếng Việt hoặc nhận sự hỗ trợ bằng tiếng Việt giúp doanh nghiệp Việt Nam”, ông Thủy nói.
Anh Trần Quốc Toản cho rằng: “Đây thời điểm chín muồi, thiên thời- địa lợi- nhân hòa dành cho các doanh nghiệp muốn xuất khẩu cùng thương mại điện tử xuyên biên giới”.
Chị Tạ Thị Mỹ Tho, Quản lý kinh doanh công ty GCAP Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm với tư cách một doanh nghiệp tham gia xuất khẩu qua Amazon. GCAP Việt Nam chuyên về rong nho xuất khẩu trước đây bán hàng thông qua doanh nghiệp khác giờ đang xây dựng thương hiệu riêng và cũng chỉ mới tham gia Amazon được vài tháng. Giao tiếp qua mạng, GCAP tích cực đọc các ý kiến của khách hàng qua bình phẩm, phản hồi để hoàn thiện sản phẩm. Sắp tới rong nho GCAP sẽ có mặt trên thị trường mới là EU và UK. Lời khuyên của GCAP đối với doanh nghiệp mới là nên kiên trì vì lúc bắt đầu có thể khó khăn khi tạo tài khoản, tạo danh sách chuyển hàng… Cũng theo đại diện GCAP, doanh nghiệp nên chọn hình thức Amazon FBA để có thể yên tâm với dịch vụ đóng gói vận chuyển, giao hàng, chăm sóc khách hàng của Amazon.
Ý kiến của bạn
Tin liên quan
- Tạo “lực đẩy” cho nông sản, thực phẩm Việt Nam tiến sâu vào thị trường Nhật Bản (04/06/2021, 02:16)
- Đưa nông sản lên chợ online (04/06/2021, 02:12)
- Xuất khẩu cùng thương mại điện tử đang gặp lúc “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” (04/06/2021, 01:44)
- Tận dụng thời cơ vàng để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ (04/06/2021, 01:42)
- Nét mới tiếp cận thị trường châu Âu: hướng đến giá trị bền vững (04/06/2021, 01:39)
Ý kiến bạn đọc (0)