Mở lối ra cho nông sản Việt
Với những nỗ lực của cơ quan chức năng và các sàn thương mại điện tử, nông sản Việt Nam đang có mặt ngày càng nhiều trên các chợ trực tuyến, tiếp cận với đông đảo người tiêu dùng. Lên sàn thương mại điện tử đang trở thành phương thức hữu hiệu tạo lối ra ổn định cho nông sản, kết nối thị trường trong cả nước, hướng tới sự phát triển bền vững.
Đưa nông sản lên chợ trực tuyến
Kể từ tháng 10-2020, sàn thương mại điện tử Voso.vn (thuộc Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel) đã tiên phong mở gian hàng dành riêng giới thiệu sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Gian hàng OCOP được Voso.vn đặt ở vị trí trung tâm, với nhiều ưu đãi hấp dẫn, đồng thời có nhân viên chuyên trách hỗ trợ bán hàng, vận hành cho từng nhà cung cấp. Ngay trong tháng 3-2021, chiến dịch “Cùng nông dân Hải Dương chuyển đổi số thoát cảnh giải cứu” được Voso.vn thực hiện đã mang lại kết quả tích cực. Sau 3 tuần triển khai đã có hơn 31 tấn rau củ, gần 6.200 con gà và hơn 290.000 quả trứng được tiêu thụ qua Voso.vn.
Tương tự Voso.vn, cũng trong tháng 3 vừa qua, sàn thương mại điện tử Sendo.vn (thuộc Công ty cổ phần Công nghệ Sen Đỏ) triển khai chương trình “Chỉ 1.000 đồng cho 1kg nông sản, không giới hạn số lượng mua”. Đã có 35 tấn rau củ của nông dân tỉnh Hải Dương được tiêu thụ qua sàn này. Chị Đỗ Thị Hòa (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Sàn thương mại điện tử giúp người tiêu dùng tiếp cận được nông sản chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ nên chúng tôi rất yên tâm".
Thực tế này cho thấy, việc quảng bá và bán hàng qua kênh thương mại điện tử, trong đó có sự vào cuộc của các “ông lớn” thương mại điện tử, đang mở ra cánh cửa giúp nông dân, các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn thông qua các nhà phân phối lớn, vừa tạo đầu ra ổn định, vừa giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm chất lượng.
Hướng tới phát triển bền vững
Cùng với những hoạt động trên, mới đây, kênh phân phối trực tuyến cho nông sản Việt Nam có tên “Gian hàng Việt trực tuyến” đã được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với các sàn thương mại điện tử Sendo.vn, Voso.vn và Tiki.vn triển khai. Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân sẽ được đào tạo xây dựng kế hoạch chuyển đổi số; miễn toàn bộ chi phí mở gian hàng, chi phí vận hành gian hàng trên sàn thương mại điện tử từ 3 đến 6 tháng. Ngoài ra, hợp tác xã, hộ nông dân còn được hỗ trợ 50% chi phí chuyển phát hàng; hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi từ các ngân hàng hợp tác với chương trình...
Những ngày cuối tháng 3-2021, hội nghị đầu tiên triển khai ứng dụng thương mại điện tử và hỗ trợ kết nối phân phối sản phẩm qua “Gian hàng Việt trực tuyến” đã được tổ chức tại tỉnh Sơn La. Hơn 140 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân đã được các chuyên gia trang bị kỹ năng đưa hàng hóa lên “Gian hàng Việt trực tuyến” trên sàn thương mại điện tử Sendo.vn và Voso.vn. Đến nay, hàng chục sản phẩm đặc sản của doanh nghiệp tỉnh Sơn La như long nhãn, mật ong, trà… đã được hỗ trợ đưa lên “Gian hàng Việt trực tuyến”.
Giám đốc Hợp tác xã Thái Tuấn (tỉnh Sơn La) Đinh Thị Yến cho biết, việc tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến” mang đến nhiều lợi ích nhờ tiếp cận phương thức kinh doanh mới. Còn theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Sen Đỏ Nguyễn Quang Thuật, Sendo.vn đang định hướng trở thành một chợ trực tuyến phân phối sản phẩm Việt Nam. Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” trên Sendo.vn được kỳ vọng sẽ trở thành một điểm mua sắm hàng hóa, nông sản uy tín với người tiêu dùng. Dự kiến, từ ngày 12 đến 14-4 tới đây, Sendo.vn sẽ triển khai chương trình “Ngày Sơn La” để giới thiệu và bán nông sản, hàng hóa của tỉnh Sơn La.
Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, sau tỉnh Sơn La, chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” sẽ tiếp tục được triển khai tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải thông tin: Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử là mô hình phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng. “Siêu thị hàng Việt Nam” này mở ra kênh phân phối hàng hóa mới, hiện đại, được quản lý chặt chẽ cho các nhà sản xuất, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, định vị thương hiệu, hình ảnh của nông sản Việt Nam.
"Thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến”, nông sản các vùng miền, địa phương có điều kiện tiếp cận và chuyển tới tận tay người tiêu dùng trong nước thông qua nền tảng trực tuyến và hệ thống chuyển phát nhanh với chi phí thấp nhất. Đây là chương trình quan trọng hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và hướng tới sự phát triển bền vững”, ông Đặng Hoàng Hải nhấn mạnh.
(Theo Lam Giang, Báo Hà Nội Mới, ngày 04/04/2021)
Ý kiến của bạn
Tin liên quan
- Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đang tiến vào Việt Nam (28/04/2021, 03:58)
- Mở lối ra cho nông sản Việt (28/04/2021, 03:57)
- Mời tham dự Hội nghị giao thương trực tuyến khai thác tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam – Algeria - Senegal (28/04/2021, 03:56)
Ý kiến bạn đọc (0)