Ẩm thực tại Đắk Lắk

Tây Nguyên là nơi sinh sống của 47 dân tộc anh em, đông nhất là các dân tộc: kinh, ê đê, M’nông, Bana, Jarai, Xơ đăng, H’rê… chúng tôi xin được giới thiệu một vài món đặc trưng của đồng bào.

Trong lễ Tết, ẩm thực của các dân tộc Tây Nguyên đều giống nhau, từ món thịt nướng cho đến rượu cần. Còn cách ăn uống và nấu nướng thế nào, thì đó là thói quen của mỗi dân tộc và của mỗi địa phương. Vào các ngày lễ Tết, cơm nếp được thay cơm gạo tẻ và được chế biến theo truyền thống của mình

Cơm lam

Bà con vào rừng chặt những ống lồ ô còn non, giữ lại mấu ở một đầu rồi cho gạo nếp và nước vào, xong nút lại đem nướng bằng lửa và than cho thật khéo. Những ống cơm lam khi chín, được chẻ bỏ lớp vỏ thì lộ ra lớp cơm nếp thơm ngon, hấp dẫn lạ thường. Hương vị nếp quyện với hương thơm của lồ ô tươi qua lửa làm cho cơm lam có một hương vị đặc biệt, hơn hẳn cơm nếp nấu trong chõ, trong nồi.

Canh thụt

Món canh thụt gồm có những nguyên liệu: lá bép, đọt mây, cà đắng, cá suối hoặc thịt và các gia vị kèm theo như mắm, ớt, muối, bột ngọt và đường… Trước khi nấu bà con chặt một ống lồ ô có lóng dài, gọt đẽo phần đầu ống cho khéo, sao cho nấu canh thụt nước không bị chảy ra ngoài. Việc chọn ống lồ ô là một bí quyết, nếu chọn cây già quá sẽ bị nứt, hoặc cây non thì canh sẽ không ngon… sau khi chế biến những nguyên liệu trên, bà con cho tất cả vào ống lồ ô và dựng ống nghiên trên đống lửa. Trong lúc nấu, một mặt vừa quay tròn ống cho thật đều lửa và dùng một chiếc đũa để thụt cho các thành phần của món canh nhuyễn và đều với nhau, động tác thụt ống còn khiến cho hơi thoát ra ngoài. Món canh có ngon hay không phụ thuộc nhiều vào hai việc trên. Có lẽ chính động tác này mà món canh có tên gọi như vậy. Thường thì ống canh thụt chỉ dài độ nửa mét trở lại. Trong các dịp lễ hội cần nhiều thì bà con nấu làm nhiều ống. Thời gian để canh chín thời gian khoảng từ 60 – 90 phút. Sau khi canh chín bà con cho ra bát hoặc lá chuối cũng được vì món canh thụt khi chín sẽ đặc lại và rất dẻo, khi ăn món canh này có rất nhiều vị đắng, cay, bùi, béo…

Cà đắng đặc sản của người Êđê ở Đắk Lắk

Các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung, người Êđê ở Đắk Lắk nói riêng sống gần gũi với núi rừng đã cho họ những món ăn ngon không thể thiếu trong cuộc sống và không lẫn vào các món ăn nào của dân tộc khác.

Cà đắng được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau trong bữa cơm của dân tộc Êđê như nấu với cá tươi, cá khô, tép khô, thịt rừng hoặc cà đắng um với ếch… Ba loại gia vị không thể thiếu để tạo nên mùi vị độc đáo của các món từ cà đắng là ớt, lá é (lá quế xanh), lá và củ nén (gần giống lá hẹ).

Ngoài nấu chín, người Êđê còn ăn cà đắng sống, bằng cách giã nát cà rồi cho thêm gia vị: muối, ớt, bột ngọt, lá é, lá và củ nén. Món này rất cay, đậm đà, ăn được rất nhiều cơm. Người Êđê không có điều kiện đi chợ thường xuyên, nên các món ăn chế biến từ cà đắng rất gần gũi và thiết thực.

Nguồn: Du Lịch Đắk Lắk

Nguồn : [Sưu tầm]

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Tin liên quan

Follow

Tài sản được xem nhiều nhất

Responsive Image
Responsive Image
Responsive Image

Đơn vị hợp tác